Saturday, December 31, 2011

Auld Lang Syne

Sắp nửa khuya rồi, nghe lại bài này để đón năm mới nhé:
Lời ca ‘Auld Lang Syne’ (tức ‘old long since’, hay đơn giản hơn là ‘so long ago’) không dễ hiểu, kể cả với những người nói tiếng Anh, nhưng nội dung chủ yếu nhắc ta trân trọng, không quên những tình bạn, người bạn cũ. Nên bạn “điểm” qua ít lời chính để có chút khái niệm thôi, còn thì lắng nghe giai điệu nhẹ nhàng cũng đủ để lòng lắng lại rồi:
Should auld acquaintance be forgot
And never brought to mind?
Should auld acquaintance be forgot
And auld lang syne?
For auld lang syne, my dear,
For auld lang syne,
We’ll take a cup of kindness yet,
For auld lang syne
And there’s a hand, my trusty friend
And give a hand of thine!
and we’ll take a right good-will draught
For auld lang syne.
Năm mới bình an. 

Monday, December 26, 2011

Slapstick and smut for Christmas! :'0

Giáng sinh năm nay là tám tiếng ngồi xe về quê ăn cưới bạn. Vậy mà bác tài nỡ lòng “tua” lại mấy đĩa ca nhạc, hài hải ngoại đã mở “nhừ tử” trên mọi tuyến đường.
Bạn còn nhớ từ drag act tôi đã viết trong một bài trước không? Nó thuộc dạng slapstick (comedy), tức kiểu hài hước “thị giác”, chủ yếu dựa vào ngôn ngữ của cơ thể (ngớ ngẩn, cường điệu, bạo lực) mà dễ hình dung nhất là hề xiếc, Charlie Chaplin, hay Mr Bean, hay Tom & Jerry. Slapstick là thanh gỗ kép mà khi đập vào ai đó, người này đau thì ít mà tiếng kêu phát ra từ thanh gỗ thì nhiều, khiến “nạn nhân” hết hồn còn “kẻ thủ phạm” được một phen cười vỡ ruột.
Nhưng Charlie Chaplin, Mr Bean hay Tom & Jerry coi thì thích, còn mấy đĩa hài “ruột” của bác tài tôi cười không nổi. Không những thị giác bị tấn công, những lúc cố gắng nhắm mắt ngủ tôi vẫn nghe lộn xộn trong tai những câu hài đầy “hàm ý” (smut), rồi liền theo đó là một tràng cười rộn rã như pháo nổ của khán giả.
Too much slapstick and smutty humour for my taste!

Sunday, December 18, 2011

Icing on the cake


Cuối cùng cũng đã đi gửi được quà cho cô bạn đồng nghiệp cũ ở Anh. Lu bu quá không kịp gửi sớm hơn nên biết chắc cô sẽ nhận quà Giáng sinh muộn. Áy náy, nhưng đành động viên mình lúc nhận quà sinh nhật muộn cô cũng vui vẻ bảo ‘the icing on the cake’.
Icing (frosting theo cách gọi của người Mỹ) là lớp kem phủ trang trí bánh bông lan, làm thành bánh kem. Bạn nào thích nữ công gia chánh chắc sẽ nhớ trước đây chỉ có kem bơ “phe” (không rõ từ “phe” gốc gác từ đâu, chỉ thấy có nơi ghi “phe” nơi ghi ‘fair’), về sau này mới có kem sữa tươi giờ đã trở nên thịnh hành. Lớp kem trang trí này có thể không quyết định sự “sống còn” của chiếc bánh, nhưng dĩ nhiên có nó sẽ hay hơn, thích hơn, cái bánh sẽ đẹp hơn nhiều. Nên mới có chuyện nhận quà muộn cũng là một niềm vui.
She finally found a hotel conveniently located, and the upgrade was the icing on the cake. – Cuối cùng cô cũng tìm được một khách sạn ở nơi thuận tiện, mà thật hay là cô được chuyển lên phòng tốt hơn.
I must get a seat at this fashion show, a near front row would just be the icing on the cake. – Tôi phải kiếm bằng được một vé xem buổi diễn thời trang này, còn nếu được ngồi gần hàng đầu sẽ quá tốt. 

Thursday, December 15, 2011

Animals?


Công viên sáng sáng tôi vẫn đi bộ thể dục có cắm tấm biển ghi ‘Please don’t take animals to the park’. Cứ đọc lại tấm biển này mấy lần là biết sáng đó mình đã đi được mấy vòng. Vậy là xen lẫn giữa những luồng suy nghĩ vẩn vơ về hoa lá và những bài nhạc nhịp điệu nhún nhảy theo những vòng công viên tôi lại có thêm cái để tưởng tượng rồi tủm tỉm cười một mình.
Tôi nghĩ đến cảnh người đi tập thể dục đem hổ, cá sấu, hay đà điểu vào công viên chơi (rồi bị ban quản lý đến ghi phiếu phạt). Hẳn là công viên không muốn khách dắt thú nuôi (cún, mèo cưng) đi dạo trong khuôn viên nhưng chắc dùng nhầm từ pets thành animals? Ngày nay người ta thậm chí nuôi hổ, cá sấu như vật nuôi trong nhà nhưng khi đó, những chú hổ, cá sấu này cũng đã gọi là pets rồi chứ không còn là animals nữa.
Vậy thì chỉ còn một cách hiểu: Quý khách không đem thả thú hoang vào công viên.
:’)

Thursday, December 8, 2011

Chalk and cheese



Sáng nay bế nàng cún đi khám bệnh, gặp một bé chihuahua được chị chủ giới thiệu tên Phô-mai. Đúng là một cái tên ít “phổ thông đại chúng”. Tôi lại ham ăn phô-mai (trừ phô-mai “thúi” từng khiến tôi nằm bẹp cả tuần trời) nên cứ tròn mắt nhìn.
Tặng bạn một thành ngữ cũng dạng ‘as … as …’ có sử dụng “nguyên liệu” phô-mai đây: as different as chalk and/from cheese, nghĩa là rất khác nhau.
Ngoài cặp ‘chalk and cheese’, ‘apples and oranges’ cũng thường được dùng để chỉ những cặp đối tượng khó có thể đem so sánh tương đương. Người Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha thì mượn hình ảnh ‘apples and pears’. Tôi thích nói ‘chalk and cheese’ hơn, một phần vì cả hai từ đều ngắn gọn, lại láy phụ âm ‘ch’, một phần vì thích cái sự tương đồng quá yếu (màu trắng) giữa hai thứ dễ khiến người ta vội vã quy đồng chúng.
They are twins but as different as chalk and cheese. – Chúng nó sinh đôi mà khác nhau một trời một vực.
Tiếng Việt mình còn nói “khác nhau như trăng với sao”, cũng là một lối ví von tinh tế.

Friday, December 2, 2011

bao nhiêu ... bấy nhiêu

He is as voluble as his brother is curt. - Anh trai cộc bao nhiêu thì anh ấy ưa nói bấy nhiêu.
Bạn thấy thế nào? (Tôi sẽ không chuyển thành “Anh ấy ưa nói cũng như anh trai cộc nói” vì dường như nghe không tự nhiên?)
Tương tự, với câu:
She is as good an actress as she is a singer. – Cô ấy hát hay thế nào thì diễn cũng tài như thế ấy / Cô ấy diễn xuất cũng không thua tài ca hát.
Thật ra, tôi không đánh đố bạn chuyện dịch Anh –Việt. Chỉ là cách dùng as … as … phong phú hơn những gì bạn quen nói nên muốn bày ra ở đây. Điều quan trọng hơn là giúp bạn tư duy ngược lại, tức Việt – Anh. Hy vọng sau này mỗi khi muốn nói những ý như trên bạn sẽ  nhớ as … as …, “quen” chứ không hề là “lạ”.  
Cuối tuần vui! :’)