Monday, October 24, 2011

I know how to count

“Năm năm dài dằng dặc…”. Tôi chắc những ai (có bạn) sắp lên đường du học đều phải trăn trở với quãng thời gian thử thách này.
Five years is a long time…
Để rồi sau đó nhìn lại có khi sẽ thấy rằng nó xứng đáng.
Those five years were all worth it.
Bạn có thể nói tôi tiền hậu bất nhất, cũng là five years mà lúc is lúc were, thế nhưng tôi không sai vì cái năm năm ở câu đầu tiên xem như một khoảng thời gian nói chung, vậy nên nó là is, còn năm năm ở câu sau tôi nhấn mạnh ý từng năm một với tất cả những trải nghiệm, sự kiện diễn ra khiến ta thấy những nỗ lực, cố gắng của mình không hề uổng phí, vậy nên nó phải là were.
Đã lại là một tuần mới rồi. Chúc mọi người vui!

Sunday, October 16, 2011

weekend shopping (shoe time!)

Không thể tin được đã đến lúc tôi có thể “chinh phục cả thế giới”! Chào thành viên mới về căn nhà nhỏ của Đường Lâm!


Give a girl the right shoes and she can conquer the world. – Bette Midler

Wednesday, October 12, 2011

add + lip

Hôm qua tự dưng nghĩ mãi không nhớ được từ tiếng Anh chỉ việc nói hay diễn một cách ngẫu hứng, không có sự chuẩn bị, như khi một nghệ sĩ quên bài sẽ phải ứng diễn, hay ai đó chơi ác giấu mất bài phát biểu của bạn, bạn sẽ phải ứng khẩu.
May sáng nay lục lọi tìm lại được – ad lib! (tính từ, trạng từ, kiêm luôn động từ!)
Từ giờ ad lib sẽ khó có cơ hội trượt khỏi bộ nhớ của tôi nữa vì tôi đã để ý thấy ad đọc lên nghe không khác add (cộng thêm) và lib cũng từa tựa lip (cái môi). Mà ứng khẩu thì không nhanh trí cũng phải nhanh mồm nhanh miệng. add + lip = ad lib!
Tôi nhớ lại đã đọc được ở đâu đó mẹo nhớ tên người mới quen bằng cách tìm một nét đặc trưng nào đó ở người ấy có kí tự đầu trùng với kí tự đầu tên của họ. Ví dụ: cô Lindsey có mái tóc dài (long hair), anh William là người xứ Wales, v.v…
Dĩ nhiên không phải lúc nào bạn cũng sẽ may mắn tìm được một cách nào đó để nhớ từ. Nhưng cuộc sống vốn phong phú, đâu đó bạn sẽ tìm thấy cho mình những phát hiện bất ngờ, thú vị.
After a moment of silence, I started to hear applause rippling, and I knew I had done a good job ad libbing. – Tất cả im phăng phắc, rồi tôi bắt đầu nghe được râm ran những tràng vỗ tay, và tôi biết mình đã ứng khẩu thành công. 

Tuesday, October 11, 2011

Accidents of nature vs. works of art



Nhân “sự kiện” được nhiều thêm một tuổi, tôi tặng mình và tặng bạn câu này:
Beautiful young people are accidents of nature. But beautiful old people are works of art.
 (Marjorie Barstow Greenbie) – Người trẻ đẹp bởi trời cho. Người già đẹp bởi người cho.
Chỉ đang đứng ngó nghiêng giữa ranh giới của ‘young’ với ‘old’, và chắc chắn không thể tự xếp mình vào hàng ‘beautiful’, nhưng tôi bí mật đặt mình vào vế sau vì chắc rằng ‘beautiful’ ở đây nhắc nhiều đến nét duyên dáng, thu hút của những người không còn trẻ. Chẳng trách nào người ta vẫn nói phụ nữ, nam giới có tuổi có sức cuốn hút riêng.
:’)

Monday, October 3, 2011

Fast fashion jeans & bread and water


Hôm qua đọc được trên BBC bài viết về những chiếc quần jean được mài cho cũ, bạc đi bằng phương pháp thổi cát (sandblasting) đã và đang khiến cho những người công nhân nghèo ở các nước như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ mắc phải những căn bệnh về phổi thực sự nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Tôi muốn ấn ‘Like’ cho những ý kiến phản hồi của độc giả BBC với bài viết khi họ lật lại cách đặt vấn đề của “người đưa tin khổng lồ” vốn rất “cứng cựa” này. Thật thú vị khi nhận thấy hiếm có ý kiến nào hô hào kiểu khẩu hiệu như “Ủng hộ ngừng mua quần jean thổi cát”, ngược lại, họ đặt ra câu hỏi: Tại sao không trang bị cho những công nhân phải chọn làm công việc độc hại này những biện pháp bảo vệ sức khỏe cần thiết? Thay vì vừa nghe nói độc hại là vội vã hô hào và cấm xử lý vải jean kiểu thổi cát, trong khi việc làm này chỉ khiến những người lao động nghèo kia mất đi miếng cơm manh áo, có khi phải tìm đến những công việc khác thậm chí còn tệ hơn.
Không có vẻ gì là họ đưa ra ý kiến này vì sợ khó có cơ hội tiếp tục được mặc những chiếc quần jean sờn đúng mốt kia, như một nhân vật trong bài viết gọi là fast fashion.
Còn những người công nhân nghèo khiến tôi nhớ đến từ breadline (ắt phải bắt nguồn từ cảnh xếp hàng nhận bánh mì và thực phẩm cứu trợ/từ thiện nói chung) và thành ngữ bread and water, nghe không xa “miếng cơm manh áo” hay “cần câu cơm” của mình là mấy.
Those who live on bread and water / the breadline…