Friday, July 29, 2011

Và lắng nghe họ nói







Nói tiếp thêm về việc đọc, phát âm, tiếng Anh đúng là không đánh vần được như tiếng Việt mình, vì vậy nhiều người (trong đó có tôi) dễ chủ quan đọc theo quán tính. Bản thân tôi vốn tự hào mình cẩn trọng trong việc phát âm, ấy thế mà chỉ đến cách đây gần một năm, tôi mới biết từ ‘canal’ không đọc là /ˈkeɪnəl/, mà là /kəˈnæl/, cũng nhờ xem chương trình America’s Next Top Model, giật mình khi nghe cô Tyra Banks “xướng” lên rành rọt từ này khi nhắc đến khu mua bán hàng nhái khét tiếng ở New York.

Tôi cũng nghe các bạn mình thường xuyên phát âm từ ‘preface’ bằng cách ghép ‘pre’ và ‘face’, thực tế từ này phiên âm là /ˈprefɪs/. Bạn vẫn nghĩ ‘pre’ ở đây giống như tiếp đầu tố đúng không? Vì nghĩa của từ này cũng phù hợp với ý ‘pre’. Vậy mà không phải vậy. ‘Prelude’ cũng đọc là /ˈprelju:d/ chứ không phải là /pri:ˈlju:d/.
Và còn nhiều từ khác hay bị đọc sai như colonel, soldier, sword, v.v., thậm chí là fashion - /ˈfæ∫n/ chứ không phải /ˈfeɪ∫n/!
Mà chúng ta dễ chủ quan thật. Không lẽ lúc nào cũng ôm từ điển ngồi tra phiên âm? Nhưng thực ra chỉ cần chú ý một chút khi trò chuyện với người bản xứ, bạn sẽ có thể phát hiện ra những cách phát âm sai của mình mà chỉnh lại.

Wednesday, July 27, 2011

Lắng nghe họ nói

Tiếng Anh từ trường học vào đến văn phòng là cả một sự bỡ ngỡ. Khoan nói đến văn phong (có thể nói là khó nuốt nhất), chỉ riêng từ vựng thôi đã khiến bạn phải bỡ ngỡ lâu dài. Có khi ở môi trường này bạn thường xuyên dùng đến một số từ nhất định (không nhất thiết là chuyên môn), sang đến một môi trường khác bạn lại chẳng bao giờ nghe đến chúng nữa.
Thật ra nghĩa của những từ mới cũng dễ nắm bắt, tôi thấy phát âm mới đáng chú ý. Nhớ lại công việc ở một nơi trong giai đoạn chuẩn bị khánh thành cách đây gần mười năm, tôi thường xuyên gặp từ signage mà không biết phải đọc như thế nào (không thấy liệt kê trong cuốn từ điển bách khoa dày cộp của tôi, mà thời ấy ở Việt Nam chắc chưa ai biết Google). Thế là tôi cố “né” từ này cho đến khi nghe được ông sếp của mình liên tục nhắc đến nó khi bàn việc thiết kế, sắp đặt các biển báo với các vị sếp khác bên dưới.
Nhiều năm sau đó ở một tập đoàn đa quốc gia, tôi gặp một từ khác – secondment – mà các đồng nghiệp của tôi tỉnh bơ phát âm bằng cách ghép “second” với “ment”. Tính tôi đa nghi (tiếng Anh có đánh vần được như tiếng Việt đâu?) nên nhất định để ý chờ cho đến khi bác sếp nhắc đến nó, phát âm là sɪˈkɒndmənt, không phải ˈsekəndmənt.
Dĩ nhiên ấy là khi bạn muốn sử dụng tiếng Anh ở mức tốt chứ không chỉ nói được và làm cho người khác hiểu được. Tôi vẫn ngạc nhiên khi trong buổi họp, bác sếp vừa dứt câu có secondment - sɪˈkɒndmənt xong, một đồng nghiệp của tôi tiếp vấn đề nên sử dụng từ này, nhưng là ˈsekəndmənt.
Bây giờ thì Google giúp bạn được cực kỳ nhiều thứ, nhưng tại sao không tận dụng luôn sự giúp đỡ một cách vô tình những người bản xứ khi họ đã là một phần công việc của bạn? Và nghe chính họ phát âm một cách tự nhiên trong một câu, một ngữ cảnh hẳn hòi chắc sẽ phải “lọt tai” hơn khi nghe giọng phát âm có phần máy móc trên các trang web.
Ghi chú: từ secondment theo trang thefreedictionary.com có thể phiên âm theo cả hai cách: Mỹ - ˈsekəndmənt, Anh - sɪˈkɒndmənt. Như vậy đồng nghiệp của tôi không sai, nhưng vô tình đúng. Mà nếu đã là vô tình thì khó lâu dài :’)

Friday, July 22, 2011

say Cheese!

Có hai kỉ niệm nhớ đời giúp tôi không bao giờ cho phép mình xem nhẹ i ngắn (I) và i dài (i:) khi phát âm tiếng Anh nữa.
Một là vào năm cuối đại học trong một cuộc phỏng vấn bỏ túi hai cô gái trẻ Ăng-lê vừa đến Việt Nam để lấy tư liệu cho bài tập được giao. Cuộc phỏng vấn dần trở nên thân mật và chúng tôi từ từ chuyển sang những câu hỏi về bản thân nhau. Khi một trong hai cô nhắc đến một chuyến đi của mình, tôi hỏi: ‘With whom?’. Vậy mà cô bạn nhíu mày cố nghĩ xem tôi hỏi gì, tôi lặp lại đến lần thứ ba, sau vài giây tập trung cao độ, cô bạn mới à lên một tiếng: ‘Oh, with whom!’. Rõ ràng có ngữ cảnh đàng hoàng, nhưng cái cách phát âm “cho xong”, rất tiếng Việt của tôi (đại loại guých-hưm) không thể cho cô gái trẻ Ăng-lê lần đầu tiên đến Việt Nam một manh mối ý nghĩa nào. Và cái ‘with whom’ của cô với của tôi đúng là cách xa nhau một khoảng từ nước Anh tới Việt Nam
Lần thứ hai, sau đó không lâu, tôi có dịp trò chuyện với một người nước ngoài. Trong câu chuyện tôi có khoe một lần đi biển chơi. Sau khi nghe tôi hồn nhiên kể xong, người này tế nhị nhắc tôi phải cẩn thận với chữ “beach”, vì đọc sai nhiều khả năng sẽ bị “quýnh”. Vì sao? ‘beach’ được phiên âm với i dài (i:), nếu gán cho nó i ngắn (I) sẽ thành ra ‘bitch’ – một từ người ta thường gọi (chửi) những phụ nữ họ ghét.
Vậy nên khi gặp i: bạn cứ vui vẻ kéo hai khóe miệng ra hai bên xa hơn bình thường một chút (chẳng phải vì vậy mà khi chụp hình người ta vẫn bảo bạn nói ‘Cheese!’ đó sao?), còn với I bạn có thể phát âm gần như iê trong tiếng Việt mình. Có thể tập lại một chút với hai từ

Sunday, July 17, 2011

Who doesn't eat meat?

A pescatarian!
Vậy là từ giờ mọi người sẽ không phải nghĩ tôi là dân ăn chay thứ thiệt nữa (mặc dù từ này thật ra nhiều người, kể cả người phương Tây, vẫn chưa biết). Đúng là có cung ắt có cầu. Theo từ điển Merriam-Webster thì từ này có từ năm 1993, có thể là kết hợp của từ pesce tiếng Ý nghĩa là cá và từ vegetarian trong tiếng Anh. Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều người bỏ thịt nhưng vẫn ăn những động vật cấp thấp như cá, tôm (một người bạn của tôi còn đùa, thêm cả côn trùng) hoặc vì lý do thanh tịnh trí óc hoặc vì lý do sức khỏe, như tôi vậy :’)
Bạn nghe phiên âm cách đọc nhé:

Tuesday, July 12, 2011

talking about the weather

Tôi lưỡng lự không muốn dùng từ depressing làm tiêu đề cho bài viết, vì nghe không được vui lắm.
Mưa to từ chiều, và không ngớt cho đến tận bây giờ làm tôi nhớ ngày đến Thượng Hải, lần đầu tiên. Lúc ấy là cuối thu, đầu đông, cả bầu trời xám xịt và trông nặng nề như một khối xi măng lơ lửng trên đầu. Những cửa hàng thời trang đã đồng loạt khoác áo măng-tô, áo gió đủ kiểu, đủ màu rực rỡ cho toàn bộ ma-nơ-canh với đủ tư thế sinh động khác nhau nhưng vẫn không xua được cái cảm giác u ám, nặng nề. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được từ depressing mà một cô bạn người Anh vẫn dùng khi nhắc thời tiết ở Surrey vào mùa đông. Làm người Sài Gòn quanh năm thấy nắng, chỉ vài tháng mưa quả thật khó mà hình dung trời như thế nào là depressing

Saturday, July 9, 2011

While you were sleeping


Tối qua ngồi xem lại While You Were Sleeping, một bộ phim tình cảm hài nhẹ nhàng cho đến giờ tôi thỉnh thoảng vẫn xem lại không chán. Sandra Bullock khi ấy thật trẻ trung, trông ngây ngô nhưng rất thật, khác nhiều so với hiện tại (trách sao được tuổi tác và trải nghiệm). Và cả hai anh em (Bill Pullman và Peter Gallagher thủ vai) đều quá dễ thương. Cũng từ bộ phim này mà tôi nhớ mãi một thành ngữ đã kịp để ý: You’ve got more colour – Trông anh hồng hào lên rồi đấy, khi Sandra đến thăm người anh trong bệnh viện, khi ấy vừa tỉnh dậy sau một thời gian hôn mê hoàn toàn.
Đã là cuối tuần rồi. Chúc bạn vui. 

Sunday, July 3, 2011

Weekend romance

Hình: www.itunes.apple.com 

Sáng nay nghe lại đĩa Fantastic Females, những ca từ của You’re Still the One réo rắt qua giọng ca của Shania Twain khiến tôi liên tưởng đến bài Too Young chầm chậm đầy chất xưa với giọng trầm ấm của Nat King Cole. Hai thế hệ ca sỹ, hai bài hát cách nhau đến vài thập niên nhưng cùng chung một ý: mặc kệ ai hồ nghi độ chín của những người trẻ khi yêu:
Looks like we made it
Look how far we've come my baby
We mighta took the long way
We knew we'd get there someday
They said, "I bet they'll never make it"
But just look at us holding on
We're still together still going strong – You’re Still the One
Xem chừng mình cũng khá đấy, nhìn xem mình đã đi được đoạn đường dài thế nào. Đường có thể rất dài, nhưng mình vẫn biết sẽ đến được nơi. Họ bảo, dám cá chúng chẳng đi đến đâu. Thế mà nhìn xem, chúng mình vẫn bên nhau, vẫn nồng nàn thương yêu…

They try to tell us we're too young
Too young to really be in love
They say that love's a word
A word we've only heard
But can't begin to know the meaning of
And yet we're not too young to know
This love will last though years may go
And then some day they may recall
We were not too young at all – Too Young
Họ cứ một mực mình còn quá trẻ biết gì mà yêu, rằng tiếng yêu mình chỉ nghe chứ chưa thể hiểu hết nghĩa. Vậy đấy, nhưng mình đâu quá trẻ để biết rằng tình yêu này sẽ bền vững qua tháng rộng năm dài. Rồi một ngày nào đấy nhìn lại, họ sẽ thấy rằng mình không hề quá trẻ…
Đang yêu hay không đang yêu, hai ca khúc này cũng xứng đáng để ngân nga theo vào một sáng cuối tuần không vội vã:

Friday, July 1, 2011

Le petit Nicolas


Vừa rồi đi xem Nhóc Nicolas, không biết truyện thế nào (bạn đọc Việt Nam rất thích) chứ bộ phim thì quá dễ thương, từ lũ trẻ mỗi đứa một kiểu tính cách, tạo hình rất sinh động cho đến những chi tiết hình ảnh của cuộc sống những năm 50: tivi thùng gỗ màn hình lồi, xe hơi dài ngoằng với vô-lăng to hơn cả bánh xe.
Đoạn cậu bé mũm mĩm ham ăn hỏi mật khẩu các “đồng bọn” rồi mới cho vào trong bàn chuyện “đại sự”, cậu bé mắt kiếng chỉ nhớ được từ đầu – kiên cường, còn từ kế nhớ hoài không ra, cậu ham ăn đành gợi ý bằng cách ngân nga phụ âm đầu, đại loại nếu là tiếng Việt thì cậu sẽ nói: “Bấ…”. Tiếc là người dịch không linh động sử dụng một từ tiếng Việt bất kì bắt đầu bằng bất, bất diệt chẳng hạn, mà bám quá sát vào từ gốc tiếng Pháp (có cùng phụ âm đầu cùng với từ bất khuất tiếng Pháp) nên từ bật ra từ miệng cậu bé mắt kiếng (không nhớ là từ gì) thành ra trật rơ với ý đồ của ngữ cảnh, làm giảm đi mức độ hài hước.
Dĩ nhiên đây là tiếng Pháp, nhưng nó hoàn toàn áp dụng với việc chuyển ngữ bất kì ngôn ngữ nào.