Wednesday, August 31, 2011

Bad day

Vào những hôm gặp toàn chuyện “xúi quẩy”, như mất thời gian mà hiệu quả công việc chỉ nhỉnh hơn con số không một chút, giữa lúc sẵn bực mình thì chị thợ may gọi điện “tuyên bố” khúc vải lụa chị “ngâm” mấy tháng nay chưa thèm may đã không thấy tăm hơi đâu, và kết ngày là đôi giày đang đi bị tuột quai không bám nổi chân, phải xách cả đôi đi chân đất trở lại chỗ giữ xe, tôi tự động viên mình bằng cách nghe lại bài ‘you had a bad day’ của những chú chuột sóc:

Rồi tìm mua một cái bánh tiramisu để ‘pick me up’.

Thursday, August 25, 2011

Easy

Tôi chắc chẳng mấy ai trong các bạn chưa từng có lần nói ‘Take it easy!’. Mà câu này dễ nhớ, dễ nói thật.
Nhưng trạng từ easy còn được dùng ở nhiều ngữ cảnh khác rất thường xảy ra mà có thể khi ấy bạn lúng túng tìm cách nói, trong khi “nó” chẳng ở đâu xa.
Này nhé:
Đồng nghiệp trổ tài nấu ăn đãi nhóm. Bạn lại đang “giữ eo”, hoặc không ăn cay được:
- Go easy on/with the oil. I am on diet. (Vừa vừa dầu mỡ thôi. Tớ đang giảm cân đây.)
- Go easy on/with the chilli peppers, otherwise I’ll burn my tongue. (Cho vừa vừa ớt thôi. Không cay bỏng lưỡi tớ mất.)
Bạn được giao “rèn” một lính mới toanh. Người bàn giao sẽ dặn:
- Go easy on/with him. He’s fresh. (Cứ từ từ chỉ bảo nó nhé. Chưa biết gì đâu.)
Em bé lúc dỗ mãi chẳng chịu uống lấy một muỗng sữa, lúc cầm cốc tu lấy tu để khiến bạn hoảng con có thể bị sặc. Thay vì: “Slowly! Not too much!”, bạn có thể rất ngắn gọn và dịu dàng:  
- Easy, easy, sweetheart.
Cũng dễ như “take it easy” thôi bạn nhỉ?

Tuesday, August 23, 2011

when the shit...

Tình hình giải quyết nợ nần, tài chính của Mỹ và các nước châu Âu xem chừng vẫn chưa thấy gì sáng sủa. Báo chí, dư luận thì vẫn trách móc các nước này biết sai mà vì sĩ diện vẫn cứ làm những việc đáng ra không nên làm, để đến khi đổ nợ.
Cái này gọi là làm lỗi mà không dám nhận, làm sai mà lén lén lút lút, như ông bà mình vẫn nói “như mèo giấu cứt”. Như chuyện BP ở Mỹ; Vedan, Thái Tuấn ở Việt Nam. Làm mà không thèm quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra khi mọi việc trở nên toày hoày.
when the shit hits the fan…
(Tư duy của hai nền văn hóa quả cũng có nhiều chỗ tương đồng, ở đây chỉ khác tiếng Việt nói vế trước, tiếng Anh nói vế sau :’))

Saturday, August 20, 2011

Coco Chanel

Bữa nay mới biết hôm qua là ngày sinh của Coco Chanel. Tôi chưa từng sở hữu một món đồ đính nhãn Chanel, nhưng thật sự yêu mến gu thẩm mỹ sang trọng mà vô cùng tinh tế, giản dị của bà. Hình ảnh quen thuộc nhất về Coco là trong bộ váy, áo màu đen giản dị kết hợp với vô số vòng ngọc trai quấn quanh cổ, mà bạn ắt sẽ ngạc nhiên nếu biết những dây ngọc trai của bà thường là nhân tạo, không phải ngọc trai tự nhiên vốn rất đắt tiền.
Tôi thích câu nói này của bà:
‘Luxury must be comfortable, otherwise it is not luxury’
“Sự sang trọng phải đi liền với thoải mái, bằng không thì không gọi là sang trọng”

Friday, August 19, 2011

clogs


Hôm nọ nói chuyện với một anh bạn nước ngoài, tôi có hóm hỉnh đùa rằng: ‘I can walk in your belly in my clogs’ – “Tôi đi guốc trong bụng cậu đấy nhé”, nhưng có giải thích thêm đó là cách nói của người Việt Nam. Anh bạn tròn mắt ngạc nhiên, ra chiều thích thú lắm.
Là vì tôi không muốn nói một cách đơn giản, ‘I can read your mind’. Như thế không đủ “nặng kí”. Nhưng dĩ nhiên tôi phải giải thích vì nếu không anh bạn hoặc sẽ nghệch mặt ra, hoặc sẽ xem thường tôi dịch từng chữ tiếng Việt sang tiếng Anh thay vì thể hiện ý. Đây cũng là một cách tôi giới thiệu cho anh về văn hóa của người Việt Nam. Đôi guốc gắn với người Việt từ nhỏ (tôi nhớ ngày bé vẫn theo mẹ ra chợ chọn mẫu quai để người bán hàng đóng ngay vào đế gỗ kêu lộp cộp). Trong cách nói này nếu tôi không lầm thì hình ảnh chiếc guốc được dùng với ý sắc nhọn và cả độ nặng của phần đế gỗ. Tôi thì thích mường tượng đến cái âm thanh của nó, mà thú vị thay nghe rất “kêu” trong tiếng Anh:
Clog
Clog

Friday, August 12, 2011

gà-mên


Hôm qua đi xem hoạt hình Xì-trum (2D thôi nhé) cho đỡ nhớ mấy cuốn truyện Xì-trum ngày còn bé vẫn chúi mũi vào đọc rồi mơ mộng được ở trong một căn nhà nấm.
Mới thấy rằng chuyển ngữ là cả một nghệ thuật, và mỗi người một quan điểm khác nhau với việc chuyển ngữ. Ai đã biến ‘Schtroumpfs’ thành “Xì-trum”? để những đứa trẻ thời của tôi cứ thích nhắc “xì-trum”, và ‘Gargamel’ thành “Gác-gà-mên” hay ngắn gọn, “dễ ghét” hơn nữa là “Gà-mên”. Tự nhiên tôi ước phụ đề tiếng Việt giữ cái chữ “Gà-mên” này, chắc có lẽ sự thất vọng của tôi về tạo hình của tên phù thủy sẽ bớt đi một chút.
Bản thân tôi khi chuyển ngữ luôn cố gắng giữ tên riêng theo gốc của ngôn ngữ ấy, thế nhưng “Gà-mên” của truyện tranh và ‘Gargamel’ của hoạt hình khiến tôi suy nghĩ. Tuy vậy tôi biết mình vẫn sẽ trung thành với Napoleon thay vì Nã Phá Luân, với London thay vì Luân Đôn, và New York thay vì Nữu Ước.
Sao mà xì-trum quá :’(

Sunday, August 7, 2011

mad dogs and Englishmen...

Sài Gòn hết một tuần u ám, ướt át vì ảnh hưởng bão đã trở lại với cái nắng nóng vô cùng đặc trưng của “nàng”. Hôm nay cũng thế, sáng sớm trời hơi mát dịu nhưng đến trưa đã nắng đổ lửa và nóng hầm hập. Trùm áo khoác như mùa đông chạy xe ngoài đường, tôi nhăn mặt cảm nhận rõ cái nắng xuyên qua lớp quần jean đốt cháy da, vậy mà vẫn không khỏi cười một mình khi nhớ đến câu:
Mad dogs and Englishmen go out in the midday sun
trong bài ‘Mad dogs and Englishmen’ của Sir Noël Coward, được ông viết khi xuôi từ Hà Nội về Sài Gòn năm 1930 trong chuyến đi xuyên Đông Dương–Trung Quốc. Ông đùa rằng vào giờ ấy và cái thời tiết ấy, đến người địa phương còn phải trốn nắng nóng, phải nghỉ ngơi, ấy thế mà dân Anh vẫn cứ dại dột phơi mình ngoài phố.
Chà, vậy mình là mad dogs hay Englishmen đây? :’)

Wednesday, August 3, 2011

missed it :'(



Vậy là vở múa “Chuyện kể những chiếc giày” hôm nay diễn bữa cuối mà tôi không hay. Vừa gọi lên phòng vé nhà hát thành phố. Không nằm ngoài dự đoán – “Hết vé rồi”. Tiếc đứt ruột.  
Thôi thì sẵn nói chuyện giày, mà cũng để bớt giận mình không theo dõi chuyện nghệ thuật (chân chính), tôi tặng bạn một “bộ sưu tập” giày nho nhỏ, nhất là dành cho những ai cũng như tôi, thích “điệu”.
ballet shoes - giày bum-bê

wedges - giày đế xuồng

Platform shoes – cũng là giày xuồng, nhưng có thể chỉ “xuồng” ở phần mũi, không nhất thiết là một khối liền như wedges

School shoes / T-bar shoes – giày quai chữ T, tiếng Việt mình còn gọi là giày nhảy vì phổ biến trong khiêu vũ

stilettos - giày gót nhọn

trainers - giày thể thao

flip-flops - dép râu

slippers - dép đi trong nhà