Saturday, December 31, 2011

Auld Lang Syne

Sắp nửa khuya rồi, nghe lại bài này để đón năm mới nhé:
Lời ca ‘Auld Lang Syne’ (tức ‘old long since’, hay đơn giản hơn là ‘so long ago’) không dễ hiểu, kể cả với những người nói tiếng Anh, nhưng nội dung chủ yếu nhắc ta trân trọng, không quên những tình bạn, người bạn cũ. Nên bạn “điểm” qua ít lời chính để có chút khái niệm thôi, còn thì lắng nghe giai điệu nhẹ nhàng cũng đủ để lòng lắng lại rồi:
Should auld acquaintance be forgot
And never brought to mind?
Should auld acquaintance be forgot
And auld lang syne?
For auld lang syne, my dear,
For auld lang syne,
We’ll take a cup of kindness yet,
For auld lang syne
And there’s a hand, my trusty friend
And give a hand of thine!
and we’ll take a right good-will draught
For auld lang syne.
Năm mới bình an. 

Monday, December 26, 2011

Slapstick and smut for Christmas! :'0

Giáng sinh năm nay là tám tiếng ngồi xe về quê ăn cưới bạn. Vậy mà bác tài nỡ lòng “tua” lại mấy đĩa ca nhạc, hài hải ngoại đã mở “nhừ tử” trên mọi tuyến đường.
Bạn còn nhớ từ drag act tôi đã viết trong một bài trước không? Nó thuộc dạng slapstick (comedy), tức kiểu hài hước “thị giác”, chủ yếu dựa vào ngôn ngữ của cơ thể (ngớ ngẩn, cường điệu, bạo lực) mà dễ hình dung nhất là hề xiếc, Charlie Chaplin, hay Mr Bean, hay Tom & Jerry. Slapstick là thanh gỗ kép mà khi đập vào ai đó, người này đau thì ít mà tiếng kêu phát ra từ thanh gỗ thì nhiều, khiến “nạn nhân” hết hồn còn “kẻ thủ phạm” được một phen cười vỡ ruột.
Nhưng Charlie Chaplin, Mr Bean hay Tom & Jerry coi thì thích, còn mấy đĩa hài “ruột” của bác tài tôi cười không nổi. Không những thị giác bị tấn công, những lúc cố gắng nhắm mắt ngủ tôi vẫn nghe lộn xộn trong tai những câu hài đầy “hàm ý” (smut), rồi liền theo đó là một tràng cười rộn rã như pháo nổ của khán giả.
Too much slapstick and smutty humour for my taste!

Sunday, December 18, 2011

Icing on the cake


Cuối cùng cũng đã đi gửi được quà cho cô bạn đồng nghiệp cũ ở Anh. Lu bu quá không kịp gửi sớm hơn nên biết chắc cô sẽ nhận quà Giáng sinh muộn. Áy náy, nhưng đành động viên mình lúc nhận quà sinh nhật muộn cô cũng vui vẻ bảo ‘the icing on the cake’.
Icing (frosting theo cách gọi của người Mỹ) là lớp kem phủ trang trí bánh bông lan, làm thành bánh kem. Bạn nào thích nữ công gia chánh chắc sẽ nhớ trước đây chỉ có kem bơ “phe” (không rõ từ “phe” gốc gác từ đâu, chỉ thấy có nơi ghi “phe” nơi ghi ‘fair’), về sau này mới có kem sữa tươi giờ đã trở nên thịnh hành. Lớp kem trang trí này có thể không quyết định sự “sống còn” của chiếc bánh, nhưng dĩ nhiên có nó sẽ hay hơn, thích hơn, cái bánh sẽ đẹp hơn nhiều. Nên mới có chuyện nhận quà muộn cũng là một niềm vui.
She finally found a hotel conveniently located, and the upgrade was the icing on the cake. – Cuối cùng cô cũng tìm được một khách sạn ở nơi thuận tiện, mà thật hay là cô được chuyển lên phòng tốt hơn.
I must get a seat at this fashion show, a near front row would just be the icing on the cake. – Tôi phải kiếm bằng được một vé xem buổi diễn thời trang này, còn nếu được ngồi gần hàng đầu sẽ quá tốt. 

Thursday, December 15, 2011

Animals?


Công viên sáng sáng tôi vẫn đi bộ thể dục có cắm tấm biển ghi ‘Please don’t take animals to the park’. Cứ đọc lại tấm biển này mấy lần là biết sáng đó mình đã đi được mấy vòng. Vậy là xen lẫn giữa những luồng suy nghĩ vẩn vơ về hoa lá và những bài nhạc nhịp điệu nhún nhảy theo những vòng công viên tôi lại có thêm cái để tưởng tượng rồi tủm tỉm cười một mình.
Tôi nghĩ đến cảnh người đi tập thể dục đem hổ, cá sấu, hay đà điểu vào công viên chơi (rồi bị ban quản lý đến ghi phiếu phạt). Hẳn là công viên không muốn khách dắt thú nuôi (cún, mèo cưng) đi dạo trong khuôn viên nhưng chắc dùng nhầm từ pets thành animals? Ngày nay người ta thậm chí nuôi hổ, cá sấu như vật nuôi trong nhà nhưng khi đó, những chú hổ, cá sấu này cũng đã gọi là pets rồi chứ không còn là animals nữa.
Vậy thì chỉ còn một cách hiểu: Quý khách không đem thả thú hoang vào công viên.
:’)

Thursday, December 8, 2011

Chalk and cheese



Sáng nay bế nàng cún đi khám bệnh, gặp một bé chihuahua được chị chủ giới thiệu tên Phô-mai. Đúng là một cái tên ít “phổ thông đại chúng”. Tôi lại ham ăn phô-mai (trừ phô-mai “thúi” từng khiến tôi nằm bẹp cả tuần trời) nên cứ tròn mắt nhìn.
Tặng bạn một thành ngữ cũng dạng ‘as … as …’ có sử dụng “nguyên liệu” phô-mai đây: as different as chalk and/from cheese, nghĩa là rất khác nhau.
Ngoài cặp ‘chalk and cheese’, ‘apples and oranges’ cũng thường được dùng để chỉ những cặp đối tượng khó có thể đem so sánh tương đương. Người Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha thì mượn hình ảnh ‘apples and pears’. Tôi thích nói ‘chalk and cheese’ hơn, một phần vì cả hai từ đều ngắn gọn, lại láy phụ âm ‘ch’, một phần vì thích cái sự tương đồng quá yếu (màu trắng) giữa hai thứ dễ khiến người ta vội vã quy đồng chúng.
They are twins but as different as chalk and cheese. – Chúng nó sinh đôi mà khác nhau một trời một vực.
Tiếng Việt mình còn nói “khác nhau như trăng với sao”, cũng là một lối ví von tinh tế.

Friday, December 2, 2011

bao nhiêu ... bấy nhiêu

He is as voluble as his brother is curt. - Anh trai cộc bao nhiêu thì anh ấy ưa nói bấy nhiêu.
Bạn thấy thế nào? (Tôi sẽ không chuyển thành “Anh ấy ưa nói cũng như anh trai cộc nói” vì dường như nghe không tự nhiên?)
Tương tự, với câu:
She is as good an actress as she is a singer. – Cô ấy hát hay thế nào thì diễn cũng tài như thế ấy / Cô ấy diễn xuất cũng không thua tài ca hát.
Thật ra, tôi không đánh đố bạn chuyện dịch Anh –Việt. Chỉ là cách dùng as … as … phong phú hơn những gì bạn quen nói nên muốn bày ra ở đây. Điều quan trọng hơn là giúp bạn tư duy ngược lại, tức Việt – Anh. Hy vọng sau này mỗi khi muốn nói những ý như trên bạn sẽ  nhớ as … as …, “quen” chứ không hề là “lạ”.  
Cuối tuần vui! :’)

Wednesday, November 30, 2011

as ... as ...

as soon as possible - càng sớm càng tốt.
as cool as a cucumber – tỉnh như không.
as easy as ABC - dễ như bỡn.
Ừ thì dễ thật, những cách nói (so sánh) như trên với chúng ta gần như đã trở thành phản xạ. Vậy thì động não một chút tuần này nhé:
He is as voluble as his brother is curt.
Bạn thích chuyển câu này sang tiếng Việt như thế nào? :’)

Friday, November 25, 2011

Let's talk about flowers - Phiếm chuyện cỏ hoa


Hôm rồi cô bạn email than thở chuyện làm vườn chuẩn bị chống chọi với mùa đông ở xứ lạnh. Bạn phải hì hụi nhổ rễ của khóm thược dược lên, xịt cho hết đất cát rồi đem cất vào nhà kính chờ đến tháng Ba năm sau sẽ đem ra cấy lại. Nhờ vậy tôi mới biết cây thược dược có rễ to bụ bẫm như củ khoai mì, và “tái sử dụng” dễ dàng. Vì Tết Việt Nam ít nhà nào thiếu hai chậu thược dược bày lấy thảo, nhưng hết Tết thì thược dược cũng xuội lơ. Không rõ do giống khác hay tại người bán cắt gốc thược dược đi rồi?
Tiếng Anh có hai từ giông giống nhau tả cảnh hoa nở rộ: bloom và blossom mà trước đây tôi cứ hay dùng lộn tùng phèo. Thật ra bloom dùng cho các loại hoa trồng để… làm hoa. Thoạt nghe buồn cười nhưng hoa hồng, hoa lys, thược dược, v.v. và v.v. trồng để người ta mua về bày trong nhà hay đem tặng nhau đấy thôi. Còn blossom chỉ hoa của những cây ăn trái và những dạng hoa mọc thành bụi, như hoa anh đào – cherry blossom chắc ít ai không biết, những bông hoa “vô tình”, hoa sẽ sớm tàn nếu bị tách khỏi cành.
How I loved looking at my grandmother’s star-apple tree when it was in blossom – Tôi vẫn ưa lắm ngắm cây vú sữa của ngoại lúc nó ra hoa đầy cành.
She had her wedding on a summer day when the carnations were in full bloom in the garden – Cô tổ chức lễ cưới vào một ngày mùa hè, lúc những bông cẩm chướng nở đầy vườn nhà. 

Tuesday, November 22, 2011

Ích kỉ

Cuối tuần rồi vừa loăng quăng trong bếp nấu ăn vừa nghe đĩa Sale El Sol của Shakira. Hết những giai điệu quen thuộc của Objection, Underneath Your Clothes, Whenever Wherever, tự nhiên nghe được mấy câu này:
Use your eyes. Only to look at me.
Use your mouth. Only to kiss my lips
You can laugh. Only if you laugh with me.
You can cry. Only if you cry for me.
Chà, cô gái này đặt ra nhiều quy định (Rules – tên bài hát) cho người yêu quá. Mà ngay lập tức những câu đầu tiên trong bài thơ Ghen của Nguyễn Bính cứ thế nhịp song song trong đầu tôi:
Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi

Friday, November 18, 2011

How would you like to drink your whiskey?



Cô bạn thời trung học vừa khoe có chai whiskey rất thơm và hỏi tôi có uống ‘sec’ được không, vì bạn phải pha với chút nước cola mới uống được. Tôi bảo bạn, thời “oanh liệt” đã qua, giờ mà uống ‘sec’ chắc sớm thấy sao trời :’)
Tôi đi tìm vài loại cocktail có sử dụng nguyên liệu whiskey. Nhờ vậy mà được biết loại rượu này nếu được chưng cất ở Scotland thì gọi là whisky (không có e), còn ở bất cứ đâu đều là whiskey.
Tôi cũng không biết chữ ‘sec’ mình vẫn dùng để nói cách uống rượu nguyên, không pha, là từ ngôn ngữ nào, chỉ biết rằng từ này trong tiếng Anh chẳng hề xa lạ - neat!
So how would you like to drink your whiskey? Neat or with ice, or with some Coca-Cola? 

Tuesday, November 15, 2011

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ

Laughter is indeed the best medicine.
Vậy nên cứ tranh thủ cười. Mà cười cũng có muôn vàn kiểu, từ mỉm chi cho tới toét miệng, hay như Đường Lâm lúc nhỏ không nhớ dịp gì mà có lần cười đến không mở nổi mắt một lúc lâu (chắc tại vì mắt hí quá chăng?).
Cười trong tiếng Anh không chỉ có smilelaugh. Dưới đây là một số kiểu nữa giúp bạn thể hiện tình huống tốt hơn. Tôi tạm xếp thứ tự theo “cường độ vận động” của các cơ trên mặt.
o   Smile: mỉm cười. Không ai không biết. Mức độ trung tính, được gia giảm tùy theo trạng từ đi kèm. Ví dụ: smile sheepishly – cười thẹn thùng, smile brightly – cười rạng rỡ.
o   Smirk: cười khinh nhạo, tự mãn. I hate that smirk on his face – Tớ ghét cái kiểu cười khinh khỉnh của nó.
o   Giggle: cười khúc khích.
o   Snigger: cười với ý khinh thường nhưng giấu giếm. Một ví dụ trong từ điển khiến tôi hình dung cảnh trong một bộ phim kinh điển nào đấy, phụ nữ, quý ông giới quý tộc tụ thành nhóm, lấy khăn tay che miệng cười nhạo ai đó chen chân vào những buổi tiệc của họ nhưng khổ thay cách ăn vận không qua được những con mắt “quý tộc”.
o   Chuckle: cười khe khẽ; cười một mình. Tôi nhớ lần đi xem ‘Johny English’ ở rạp, vì giữ ý tứ nên chỉ dám cười trong yên lặng (laughed quietly/chuckled) trong khi anh Tây ngồi cạnh cười thật sảng khoái (laughed heartily), thỉnh thoảng còn “Trời ơi! Trời ơi!” nghe mà ghen tị.
o   Grin: cười toét miệng (cười nhăn nhở cũng là hắn).
o   Gurgle: cái này thì mình không bắt chước được rồi, vì nó là tiếng cười ẹ ẹ ẹ nắc nẻ của em bé.
o   Laugh: ai cũng biết rồi.
Giờ thì bạn đang cười nụ cười nào? :’)

Wednesday, November 9, 2011

Kiss me!?

Hà Nội mùa thu này thời tiết bất thường nên suốt tuần ở chơi tôi chỉ được cảm cái lạnh se se, âm thầm như người Hà Nội vẫn mô tả được đúng hai hôm. May mà hoa sữa vẫn nồng nàn nhiều góc phố, và đâu đó những ngách nhỏ vẫn nguyên mùi âm ẩm của tường cũ hít vào mình hơi nước nóng từ ấm nước chè xanh hết năm này qua năm khác…
Và những chị bán hàng rong từ ven Hà Nội lên vẫn là hình ảnh quen thuộc trên những con phố cổ. Vốn tiếng Anh ít ỏi của các chị khiến tôi không khỏi tủm tỉm cười mỗi khi được “mục kích” cảnh mời khách. Tôi nhớ nhất một chị cứ chạy theo các anh khách Tây, gọi:
- Kiss me, kiss me!
Ý chị là ‘Excuse me!’ đấy. Chị ơi, sai một ly đi một dặm rồi! :‘)

Monday, October 24, 2011

I know how to count

“Năm năm dài dằng dặc…”. Tôi chắc những ai (có bạn) sắp lên đường du học đều phải trăn trở với quãng thời gian thử thách này.
Five years is a long time…
Để rồi sau đó nhìn lại có khi sẽ thấy rằng nó xứng đáng.
Those five years were all worth it.
Bạn có thể nói tôi tiền hậu bất nhất, cũng là five years mà lúc is lúc were, thế nhưng tôi không sai vì cái năm năm ở câu đầu tiên xem như một khoảng thời gian nói chung, vậy nên nó là is, còn năm năm ở câu sau tôi nhấn mạnh ý từng năm một với tất cả những trải nghiệm, sự kiện diễn ra khiến ta thấy những nỗ lực, cố gắng của mình không hề uổng phí, vậy nên nó phải là were.
Đã lại là một tuần mới rồi. Chúc mọi người vui!

Sunday, October 16, 2011

weekend shopping (shoe time!)

Không thể tin được đã đến lúc tôi có thể “chinh phục cả thế giới”! Chào thành viên mới về căn nhà nhỏ của Đường Lâm!


Give a girl the right shoes and she can conquer the world. – Bette Midler

Wednesday, October 12, 2011

add + lip

Hôm qua tự dưng nghĩ mãi không nhớ được từ tiếng Anh chỉ việc nói hay diễn một cách ngẫu hứng, không có sự chuẩn bị, như khi một nghệ sĩ quên bài sẽ phải ứng diễn, hay ai đó chơi ác giấu mất bài phát biểu của bạn, bạn sẽ phải ứng khẩu.
May sáng nay lục lọi tìm lại được – ad lib! (tính từ, trạng từ, kiêm luôn động từ!)
Từ giờ ad lib sẽ khó có cơ hội trượt khỏi bộ nhớ của tôi nữa vì tôi đã để ý thấy ad đọc lên nghe không khác add (cộng thêm) và lib cũng từa tựa lip (cái môi). Mà ứng khẩu thì không nhanh trí cũng phải nhanh mồm nhanh miệng. add + lip = ad lib!
Tôi nhớ lại đã đọc được ở đâu đó mẹo nhớ tên người mới quen bằng cách tìm một nét đặc trưng nào đó ở người ấy có kí tự đầu trùng với kí tự đầu tên của họ. Ví dụ: cô Lindsey có mái tóc dài (long hair), anh William là người xứ Wales, v.v…
Dĩ nhiên không phải lúc nào bạn cũng sẽ may mắn tìm được một cách nào đó để nhớ từ. Nhưng cuộc sống vốn phong phú, đâu đó bạn sẽ tìm thấy cho mình những phát hiện bất ngờ, thú vị.
After a moment of silence, I started to hear applause rippling, and I knew I had done a good job ad libbing. – Tất cả im phăng phắc, rồi tôi bắt đầu nghe được râm ran những tràng vỗ tay, và tôi biết mình đã ứng khẩu thành công. 

Tuesday, October 11, 2011

Accidents of nature vs. works of art



Nhân “sự kiện” được nhiều thêm một tuổi, tôi tặng mình và tặng bạn câu này:
Beautiful young people are accidents of nature. But beautiful old people are works of art.
 (Marjorie Barstow Greenbie) – Người trẻ đẹp bởi trời cho. Người già đẹp bởi người cho.
Chỉ đang đứng ngó nghiêng giữa ranh giới của ‘young’ với ‘old’, và chắc chắn không thể tự xếp mình vào hàng ‘beautiful’, nhưng tôi bí mật đặt mình vào vế sau vì chắc rằng ‘beautiful’ ở đây nhắc nhiều đến nét duyên dáng, thu hút của những người không còn trẻ. Chẳng trách nào người ta vẫn nói phụ nữ, nam giới có tuổi có sức cuốn hút riêng.
:’)

Monday, October 3, 2011

Fast fashion jeans & bread and water


Hôm qua đọc được trên BBC bài viết về những chiếc quần jean được mài cho cũ, bạc đi bằng phương pháp thổi cát (sandblasting) đã và đang khiến cho những người công nhân nghèo ở các nước như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ mắc phải những căn bệnh về phổi thực sự nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Tôi muốn ấn ‘Like’ cho những ý kiến phản hồi của độc giả BBC với bài viết khi họ lật lại cách đặt vấn đề của “người đưa tin khổng lồ” vốn rất “cứng cựa” này. Thật thú vị khi nhận thấy hiếm có ý kiến nào hô hào kiểu khẩu hiệu như “Ủng hộ ngừng mua quần jean thổi cát”, ngược lại, họ đặt ra câu hỏi: Tại sao không trang bị cho những công nhân phải chọn làm công việc độc hại này những biện pháp bảo vệ sức khỏe cần thiết? Thay vì vừa nghe nói độc hại là vội vã hô hào và cấm xử lý vải jean kiểu thổi cát, trong khi việc làm này chỉ khiến những người lao động nghèo kia mất đi miếng cơm manh áo, có khi phải tìm đến những công việc khác thậm chí còn tệ hơn.
Không có vẻ gì là họ đưa ra ý kiến này vì sợ khó có cơ hội tiếp tục được mặc những chiếc quần jean sờn đúng mốt kia, như một nhân vật trong bài viết gọi là fast fashion.
Còn những người công nhân nghèo khiến tôi nhớ đến từ breadline (ắt phải bắt nguồn từ cảnh xếp hàng nhận bánh mì và thực phẩm cứu trợ/từ thiện nói chung) và thành ngữ bread and water, nghe không xa “miếng cơm manh áo” hay “cần câu cơm” của mình là mấy.
Those who live on bread and water / the breadline…

Friday, September 30, 2011

Tượng lo


Sẵn nói chuyện hài hước, tôi nhớ người Việt mình ưa nói lái. Bây giờ chắc không ai còn ngơ ngác (ngoại trừ mấy anh nước ngoài đang học nói tiếng Việt) khi nghe “khoái ăn sang”, “chà đồ nhôm” hay “ống chề” nữa, nhưng từ ngày xưa lắc xưa lơ Trạng Quỳnh đã gạt được chúa Trịnh khi dâng một lọ thức ăn đề chữ Đại Phong mà Trạng khoe là món tuyệt hảo. Có ngờ đâu Đại Phong là gió to, gió to thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, mà tượng lo là lọ tương.
“Nghệ thuật” này tiếng Anh gọi là spoonerism, không liên quan gì đến cái muỗng (spoon) mà lấy theo tên một giáo sư người Anh (William Archibald Spooner 1844 - 1930) vì hay nói líu mà vô tình tạo nên những câu nói, tình huống hài hước, kiểu như ‘It’s pouring with rain’ thành ra ‘It’s roaring with pain’ – “Mưa như trút nước” mà nói thành “Đau quá kêu rống lên”. Vậy là nói lái có lẽ “thâm niên” hơn trong tiếng Việt mình, và nhờ những cái dấu chỉ tiếng Việt mới có nên càng phong phú, thú vị. 

Wednesday, September 28, 2011

Drag queen, Drag act


Drag queen có lẽ không xa lạ gì với các bạn. Những anh đàn ông ăn mặc, trang điểm như phụ nữ, chỉ khác là theo một cách rất “kịch tính”, chủ yếu để trình diễn, phổ biến ở văn hóa phương Tây đến độ từ America’s Next Top Model cho đến Project Runway, các anh này luôn được ưu ái góp mặt.
Bạn vẫn xem những chương trình hài kịch, ca nhạc, v.v. trong đó diễn viên nam đóng giả gái? Cái này hình như ở mình được chuộng vì thấy diễn đều :’). Nó gọi là drag act. Nếu có ý định dẫn bạn bè nước ngoài đi xem bạn nhớ nói trước drag act để họ chuẩn bị tinh thần :’)
Drag act không giới hạn ý nghĩa ở sự hài hước, chọc cười, cũng không chỉ là nam giả nữ. Gần đây Lady Gaga giả nam diễn trên sân khấu MTV Video Music Awards cũng là drag act

Thursday, September 22, 2011

Trước, sau như một?

Nếu câu tiếng Việt của tôi như thế này: “Hồi gần mười ba tuổi, anh Jem bị gãy tay khá nặng”, bạn sẽ chuyển sang tiếng Anh như thế nào?
1.     When my brother Jem was nearly thirteen, he got his arm badly broken at the elbow.
hay
2.     When he was nearly thirteen, my brother Jem got his arm badly broken at the elbow.
Từ từ thôi nhé, đừng vội nhìn xuống dòng dưới…
Chưa!
Vẫn chưa!
…………………..
Tin vui là tôi không có câu trả lời đúng, sai :’), nhưng có lẽ đa phần chúng ta sẽ viết theo cách một, vì đó là cách nói của tiếng Việt. Thực tế tôi gặp khá thường xuyên cách viết hai trong tiếng Anh với những câu ghép có liên từ như thế này (when, while, if, etc.). Ví dụ:
- When we were small, Jem and I confined our activities to the southern neighbourhood... – Lúc còn nhỏ, anh Jem và tôi chỉ quanh quẩn ở khu phía Nam… / Lúc anh Jem và tôi còn nhỏ, cả hai chỉ quanh quẩn ở khu phía Nam…
- …when she was furious Calpurnia’s grammar became erratic – …những lúc giận dữ, vốn ngữ pháp của Calpurnia bỗng không như bình thường / …những lúc Calpurnia giận dữ, vốn ngữ pháp của cô bỗng không như bình thường.
Chưa rõ liệu có nguyên tắc nào quy định trong trường hợp nào danh từ (Jem, Calpurnia) đi trước (tức ở vế có liên từ), đại từ thay thế (he, she) đi sau. Rất có thể chỉ là sự thuận câu chữ, nhưng tôi chưa thể khẳng định. Còn hiện tại, bạn có thể làm quen dần với cách viết thứ hai này. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những cách chuyển ngữ Anh-Việt bám hơi sát vào ngôn ngữ gốc, ví dụ như: “những lúc cô ấy giận dữ, vốn ngữ pháp của Calpurnia bỗng không như bình thường”. Không sai, nhưng hình như chưa được “Việt” lắm :’)
Ghi chú: các câu tiếng Anh trích từ cuốn To Kill a Mocking Bird – Harper Lee.

Sunday, September 18, 2011

Sunday blues

Dân văn phòng tuần năm buổi đều đặn có lẽ ít ai lại không rơi vào cái cảm giác lừ đừ, uể oải, buồn vô cớ từ trưa Chủ nhật cho đến hết ngày, thường lây lan đến cả sáng thứ Hai tiếp đó. Thật ra thì có cớ đấy thôi: sắp hết cuối tuần, tức sắp hết được nghỉ ngơi, lại chuẩn bị cho một tuần “chiến đấu” nữa. Thế nên cứ tối thứ Sáu những quán bar ở Sài Gòn (mà hình như ở bất cứ đâu, mọi ngõ ngách trên trái đất này) lại chật như nêm, còn sáng thứ Bảy nếu lười biếng dậy trễ bạn đừng mong tìm được một chỗ trong những quán cà phê quen thuộc.
Cái triệu chứng này gọi là the Sunday blues. Thôi thì để lấy đà trở lại cho một tuần mới, chắc bạn nên sắm cho mình vài cái áo màu đỏ rực rỡ để diện vào sáng thứ Hai, nếu không phải mặc đồng phục :’)

Wednesday, September 14, 2011

Gag the press!

Hôm nọ tôi có nhắc thành ngữ ‘when the shit hits the fan’, nói nôm na là lúc việc (không ngay thẳng) đã trở nên toày hoày, có lẽ còn hơn cả cảnh đang núp trong góc tối bỗng bị đèn pha rọi thẳng vào.
Hôm nay tôi tặng bạn thêm ‘gag the press/media’, tức “chặn họng” báo chí, tức việc “tác giả” của những việc “không ngay thẳng” luôn phải làm hòng tránh cảnh ‘shit hits the fan’ :’)
Nhưng ‘gag the press’ không nhất thiết chỉ có hàm ý tiêu cực. Những người nổi tiếng cũng phải tìm cách ‘gag the press’ để bảo vệ cuộc sống riêng tư của họ. 

Saturday, September 10, 2011

Weekend shopping

Tin không vui cho các bạn nữ là chuyện mua sắm cuối tuần này của tôi không liên quan gì đến “sự nghiệp” làm đẹp cả, thậm chí có thể ngược lại. Tôi biết nhiều bạn ám ảnh với chữ “ĂN”! :’)
Mấy hôm nay cứ sáng ra là trời u u (chuẩn bị cho những đợt mưa hết ồ lại à vào chiều tối). Cái thời tiết này quá tuyệt vời để dạo một vòng quanh chợ chọn cho bằng hết những thứ tươi ngon về trổ tài nấu nướng. Mà cũng nhờ nhẩn nha đi từ hàng nọ sang hàng kia tôi mới để ý thấy rằng tiếng Việt mình phong phú thật. Này nhé:
Có anh người Bắc rao toáng khắp chợ: “Dền cơm năm ngàn ba bó đây!”
Một chị mời tôi: “Cà chua bi đi em. Tươi lắm! Ăn ngọt như trái cây.”
Ở quầy gạo, đậu: “Nếp ngỗng ngoài Bắc đấy. Không phải nếp trong này đâu.”
Thì ra tiếng Việt mình không chỉ quanh quẩn với chữ “nhỏ” hay “lớn”. Mà cái hay là mỗi vật lại đi với một vật so sánh riêng, như rau dền phải là dền cơm; cà chua, khoai tây là cà chua bi, khoai tây bi (chưa rõ do Việt hóa từ ‘baby’ hay do lấy hình ảnh viên bi ve để mô tả); nếp thì là nếp ngỗng. Gì nữa nhỉ?
Tiếng Anh ngoài từ ‘baby’ tôi không nhớ đã gặp được một cách ghép nào khác tương tự…

Tuesday, September 6, 2011

in or out?


Ừ thì đã hết lễ. Thế nhưng tôi vẫn muốn nhắc bộ phim The Holiday (lễ Giáng sinh, không phải lễ Quốc khánh :’)) ngồi xem lại mấy hôm nghỉ lễ. The Holiday cũng là một trong số ít những bộ phim tình cảm nhẹ nhàng có chút hài hước mà tôi thực sự yêu thích.
Yêu cái khung cảnh miền quê rất đỗi Anh nơi ngôi nhà be bé của Iris (Kate Winslet) nằm thênh thang một mình, yêu căn biệt thự ở L.A. hiện đại mà không hề lạnh của Amanda (Cameron Diaz).
Iris khi nhắn tin cho anh đồng nghiệp mà cô đơn phương yêu suốt ba năm trời có ghi như thế này: ‘We both know I should fall out of love with you’, khiến tôi phải bật cười vì sự thất vọng đến đáng yêu của cô gái quê nước Anh này. Mà bạn có nhận thấy là mình chỉ quen nói ‘fall in love’ không thôi? À thì có in thì cũng phải có out chứ, đúng không? :’)



Saturday, September 3, 2011

Fresh as a daisy


Hết “xúi quẩy”, lại có thêm bánh tiramisu để ‘pick me up’, tôi sẽ bắt đầu một ngày mới as fresh as a daisy.
Lại cái tật hay hỏi tại sao. Tại sao lại là daisy – bông cúc nhỉ? Mà thôi, việc so sánh không nhất thiết phải gắn với đặc điểm (rõ nhất) của vật được chọn để so sánh. Tiếng Việt mình cũng nói “tươi như hoa” (vì hoa tươi nhìn rạng rỡ thật) nhưng “tỉnh như sáo” thì tại sao? :’)
Vậy thì lại phải nhớ thôi. 

Wednesday, August 31, 2011

Bad day

Vào những hôm gặp toàn chuyện “xúi quẩy”, như mất thời gian mà hiệu quả công việc chỉ nhỉnh hơn con số không một chút, giữa lúc sẵn bực mình thì chị thợ may gọi điện “tuyên bố” khúc vải lụa chị “ngâm” mấy tháng nay chưa thèm may đã không thấy tăm hơi đâu, và kết ngày là đôi giày đang đi bị tuột quai không bám nổi chân, phải xách cả đôi đi chân đất trở lại chỗ giữ xe, tôi tự động viên mình bằng cách nghe lại bài ‘you had a bad day’ của những chú chuột sóc:

Rồi tìm mua một cái bánh tiramisu để ‘pick me up’.

Thursday, August 25, 2011

Easy

Tôi chắc chẳng mấy ai trong các bạn chưa từng có lần nói ‘Take it easy!’. Mà câu này dễ nhớ, dễ nói thật.
Nhưng trạng từ easy còn được dùng ở nhiều ngữ cảnh khác rất thường xảy ra mà có thể khi ấy bạn lúng túng tìm cách nói, trong khi “nó” chẳng ở đâu xa.
Này nhé:
Đồng nghiệp trổ tài nấu ăn đãi nhóm. Bạn lại đang “giữ eo”, hoặc không ăn cay được:
- Go easy on/with the oil. I am on diet. (Vừa vừa dầu mỡ thôi. Tớ đang giảm cân đây.)
- Go easy on/with the chilli peppers, otherwise I’ll burn my tongue. (Cho vừa vừa ớt thôi. Không cay bỏng lưỡi tớ mất.)
Bạn được giao “rèn” một lính mới toanh. Người bàn giao sẽ dặn:
- Go easy on/with him. He’s fresh. (Cứ từ từ chỉ bảo nó nhé. Chưa biết gì đâu.)
Em bé lúc dỗ mãi chẳng chịu uống lấy một muỗng sữa, lúc cầm cốc tu lấy tu để khiến bạn hoảng con có thể bị sặc. Thay vì: “Slowly! Not too much!”, bạn có thể rất ngắn gọn và dịu dàng:  
- Easy, easy, sweetheart.
Cũng dễ như “take it easy” thôi bạn nhỉ?

Tuesday, August 23, 2011

when the shit...

Tình hình giải quyết nợ nần, tài chính của Mỹ và các nước châu Âu xem chừng vẫn chưa thấy gì sáng sủa. Báo chí, dư luận thì vẫn trách móc các nước này biết sai mà vì sĩ diện vẫn cứ làm những việc đáng ra không nên làm, để đến khi đổ nợ.
Cái này gọi là làm lỗi mà không dám nhận, làm sai mà lén lén lút lút, như ông bà mình vẫn nói “như mèo giấu cứt”. Như chuyện BP ở Mỹ; Vedan, Thái Tuấn ở Việt Nam. Làm mà không thèm quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra khi mọi việc trở nên toày hoày.
when the shit hits the fan…
(Tư duy của hai nền văn hóa quả cũng có nhiều chỗ tương đồng, ở đây chỉ khác tiếng Việt nói vế trước, tiếng Anh nói vế sau :’))

Saturday, August 20, 2011

Coco Chanel

Bữa nay mới biết hôm qua là ngày sinh của Coco Chanel. Tôi chưa từng sở hữu một món đồ đính nhãn Chanel, nhưng thật sự yêu mến gu thẩm mỹ sang trọng mà vô cùng tinh tế, giản dị của bà. Hình ảnh quen thuộc nhất về Coco là trong bộ váy, áo màu đen giản dị kết hợp với vô số vòng ngọc trai quấn quanh cổ, mà bạn ắt sẽ ngạc nhiên nếu biết những dây ngọc trai của bà thường là nhân tạo, không phải ngọc trai tự nhiên vốn rất đắt tiền.
Tôi thích câu nói này của bà:
‘Luxury must be comfortable, otherwise it is not luxury’
“Sự sang trọng phải đi liền với thoải mái, bằng không thì không gọi là sang trọng”

Friday, August 19, 2011

clogs


Hôm nọ nói chuyện với một anh bạn nước ngoài, tôi có hóm hỉnh đùa rằng: ‘I can walk in your belly in my clogs’ – “Tôi đi guốc trong bụng cậu đấy nhé”, nhưng có giải thích thêm đó là cách nói của người Việt Nam. Anh bạn tròn mắt ngạc nhiên, ra chiều thích thú lắm.
Là vì tôi không muốn nói một cách đơn giản, ‘I can read your mind’. Như thế không đủ “nặng kí”. Nhưng dĩ nhiên tôi phải giải thích vì nếu không anh bạn hoặc sẽ nghệch mặt ra, hoặc sẽ xem thường tôi dịch từng chữ tiếng Việt sang tiếng Anh thay vì thể hiện ý. Đây cũng là một cách tôi giới thiệu cho anh về văn hóa của người Việt Nam. Đôi guốc gắn với người Việt từ nhỏ (tôi nhớ ngày bé vẫn theo mẹ ra chợ chọn mẫu quai để người bán hàng đóng ngay vào đế gỗ kêu lộp cộp). Trong cách nói này nếu tôi không lầm thì hình ảnh chiếc guốc được dùng với ý sắc nhọn và cả độ nặng của phần đế gỗ. Tôi thì thích mường tượng đến cái âm thanh của nó, mà thú vị thay nghe rất “kêu” trong tiếng Anh:
Clog
Clog

Friday, August 12, 2011

gà-mên


Hôm qua đi xem hoạt hình Xì-trum (2D thôi nhé) cho đỡ nhớ mấy cuốn truyện Xì-trum ngày còn bé vẫn chúi mũi vào đọc rồi mơ mộng được ở trong một căn nhà nấm.
Mới thấy rằng chuyển ngữ là cả một nghệ thuật, và mỗi người một quan điểm khác nhau với việc chuyển ngữ. Ai đã biến ‘Schtroumpfs’ thành “Xì-trum”? để những đứa trẻ thời của tôi cứ thích nhắc “xì-trum”, và ‘Gargamel’ thành “Gác-gà-mên” hay ngắn gọn, “dễ ghét” hơn nữa là “Gà-mên”. Tự nhiên tôi ước phụ đề tiếng Việt giữ cái chữ “Gà-mên” này, chắc có lẽ sự thất vọng của tôi về tạo hình của tên phù thủy sẽ bớt đi một chút.
Bản thân tôi khi chuyển ngữ luôn cố gắng giữ tên riêng theo gốc của ngôn ngữ ấy, thế nhưng “Gà-mên” của truyện tranh và ‘Gargamel’ của hoạt hình khiến tôi suy nghĩ. Tuy vậy tôi biết mình vẫn sẽ trung thành với Napoleon thay vì Nã Phá Luân, với London thay vì Luân Đôn, và New York thay vì Nữu Ước.
Sao mà xì-trum quá :’(

Sunday, August 7, 2011

mad dogs and Englishmen...

Sài Gòn hết một tuần u ám, ướt át vì ảnh hưởng bão đã trở lại với cái nắng nóng vô cùng đặc trưng của “nàng”. Hôm nay cũng thế, sáng sớm trời hơi mát dịu nhưng đến trưa đã nắng đổ lửa và nóng hầm hập. Trùm áo khoác như mùa đông chạy xe ngoài đường, tôi nhăn mặt cảm nhận rõ cái nắng xuyên qua lớp quần jean đốt cháy da, vậy mà vẫn không khỏi cười một mình khi nhớ đến câu:
Mad dogs and Englishmen go out in the midday sun
trong bài ‘Mad dogs and Englishmen’ của Sir Noël Coward, được ông viết khi xuôi từ Hà Nội về Sài Gòn năm 1930 trong chuyến đi xuyên Đông Dương–Trung Quốc. Ông đùa rằng vào giờ ấy và cái thời tiết ấy, đến người địa phương còn phải trốn nắng nóng, phải nghỉ ngơi, ấy thế mà dân Anh vẫn cứ dại dột phơi mình ngoài phố.
Chà, vậy mình là mad dogs hay Englishmen đây? :’)

Wednesday, August 3, 2011

missed it :'(



Vậy là vở múa “Chuyện kể những chiếc giày” hôm nay diễn bữa cuối mà tôi không hay. Vừa gọi lên phòng vé nhà hát thành phố. Không nằm ngoài dự đoán – “Hết vé rồi”. Tiếc đứt ruột.  
Thôi thì sẵn nói chuyện giày, mà cũng để bớt giận mình không theo dõi chuyện nghệ thuật (chân chính), tôi tặng bạn một “bộ sưu tập” giày nho nhỏ, nhất là dành cho những ai cũng như tôi, thích “điệu”.
ballet shoes - giày bum-bê

wedges - giày đế xuồng

Platform shoes – cũng là giày xuồng, nhưng có thể chỉ “xuồng” ở phần mũi, không nhất thiết là một khối liền như wedges

School shoes / T-bar shoes – giày quai chữ T, tiếng Việt mình còn gọi là giày nhảy vì phổ biến trong khiêu vũ

stilettos - giày gót nhọn

trainers - giày thể thao

flip-flops - dép râu

slippers - dép đi trong nhà

Friday, July 29, 2011

Và lắng nghe họ nói







Nói tiếp thêm về việc đọc, phát âm, tiếng Anh đúng là không đánh vần được như tiếng Việt mình, vì vậy nhiều người (trong đó có tôi) dễ chủ quan đọc theo quán tính. Bản thân tôi vốn tự hào mình cẩn trọng trong việc phát âm, ấy thế mà chỉ đến cách đây gần một năm, tôi mới biết từ ‘canal’ không đọc là /ˈkeɪnəl/, mà là /kəˈnæl/, cũng nhờ xem chương trình America’s Next Top Model, giật mình khi nghe cô Tyra Banks “xướng” lên rành rọt từ này khi nhắc đến khu mua bán hàng nhái khét tiếng ở New York.

Tôi cũng nghe các bạn mình thường xuyên phát âm từ ‘preface’ bằng cách ghép ‘pre’ và ‘face’, thực tế từ này phiên âm là /ˈprefɪs/. Bạn vẫn nghĩ ‘pre’ ở đây giống như tiếp đầu tố đúng không? Vì nghĩa của từ này cũng phù hợp với ý ‘pre’. Vậy mà không phải vậy. ‘Prelude’ cũng đọc là /ˈprelju:d/ chứ không phải là /pri:ˈlju:d/.
Và còn nhiều từ khác hay bị đọc sai như colonel, soldier, sword, v.v., thậm chí là fashion - /ˈfæ∫n/ chứ không phải /ˈfeɪ∫n/!
Mà chúng ta dễ chủ quan thật. Không lẽ lúc nào cũng ôm từ điển ngồi tra phiên âm? Nhưng thực ra chỉ cần chú ý một chút khi trò chuyện với người bản xứ, bạn sẽ có thể phát hiện ra những cách phát âm sai của mình mà chỉnh lại.

Wednesday, July 27, 2011

Lắng nghe họ nói

Tiếng Anh từ trường học vào đến văn phòng là cả một sự bỡ ngỡ. Khoan nói đến văn phong (có thể nói là khó nuốt nhất), chỉ riêng từ vựng thôi đã khiến bạn phải bỡ ngỡ lâu dài. Có khi ở môi trường này bạn thường xuyên dùng đến một số từ nhất định (không nhất thiết là chuyên môn), sang đến một môi trường khác bạn lại chẳng bao giờ nghe đến chúng nữa.
Thật ra nghĩa của những từ mới cũng dễ nắm bắt, tôi thấy phát âm mới đáng chú ý. Nhớ lại công việc ở một nơi trong giai đoạn chuẩn bị khánh thành cách đây gần mười năm, tôi thường xuyên gặp từ signage mà không biết phải đọc như thế nào (không thấy liệt kê trong cuốn từ điển bách khoa dày cộp của tôi, mà thời ấy ở Việt Nam chắc chưa ai biết Google). Thế là tôi cố “né” từ này cho đến khi nghe được ông sếp của mình liên tục nhắc đến nó khi bàn việc thiết kế, sắp đặt các biển báo với các vị sếp khác bên dưới.
Nhiều năm sau đó ở một tập đoàn đa quốc gia, tôi gặp một từ khác – secondment – mà các đồng nghiệp của tôi tỉnh bơ phát âm bằng cách ghép “second” với “ment”. Tính tôi đa nghi (tiếng Anh có đánh vần được như tiếng Việt đâu?) nên nhất định để ý chờ cho đến khi bác sếp nhắc đến nó, phát âm là sɪˈkɒndmənt, không phải ˈsekəndmənt.
Dĩ nhiên ấy là khi bạn muốn sử dụng tiếng Anh ở mức tốt chứ không chỉ nói được và làm cho người khác hiểu được. Tôi vẫn ngạc nhiên khi trong buổi họp, bác sếp vừa dứt câu có secondment - sɪˈkɒndmənt xong, một đồng nghiệp của tôi tiếp vấn đề nên sử dụng từ này, nhưng là ˈsekəndmənt.
Bây giờ thì Google giúp bạn được cực kỳ nhiều thứ, nhưng tại sao không tận dụng luôn sự giúp đỡ một cách vô tình những người bản xứ khi họ đã là một phần công việc của bạn? Và nghe chính họ phát âm một cách tự nhiên trong một câu, một ngữ cảnh hẳn hòi chắc sẽ phải “lọt tai” hơn khi nghe giọng phát âm có phần máy móc trên các trang web.
Ghi chú: từ secondment theo trang thefreedictionary.com có thể phiên âm theo cả hai cách: Mỹ - ˈsekəndmənt, Anh - sɪˈkɒndmənt. Như vậy đồng nghiệp của tôi không sai, nhưng vô tình đúng. Mà nếu đã là vô tình thì khó lâu dài :’)